Nguồn gốc lễ hội Lễ_hội_Nam_Trì

Lễ hội Nam Trì có nguồn gốc từ việc tế ba vị thần Bảo, Lang, Biền: Nguyễn Danh Lang hiệu Lang Công người Nam Trì (Bản TT-TS FQ 40 18/X11, 11 - Viện Thông tin Khoa học Xã hội - Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam), tướng ba đời nhà Triệu nước Nam Việt; Thừa tướng bốn đời nhà Triệu: Lữ Gia hiệu Bảo Công (người huyện Lôi Dương quận Cửu Chân cùng gia quyến cư ngụ tại Nam Trì, nhận Nguyễn Danh Lang là em kết nghĩa); Tướng quốc Cao Biền. Tướng quốc Cao Biền sang Giao Châu tiễu phạt giặc Nam Chiếu qua Nam Trì đóng đồn, xây dựng hành cung, kết nghĩa anh em với hai vị Thần trong đền, cưới hai cô con gái sinh đôi họ Phạm ở Nam Trì (Lữ nương, Lự nương), cùng dân Nam Trì sửa miếu, lập đền hai vị Thần Bảo, Lang (Bản TT-TS FQ 40 18/X11, 11 - Viện Thông tin Khoa học Xã hội - Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam).

Khi Lang Công, Bảo Công, Công chúa Hùng vương Lâu nương (phu nhân Lữ Gia) chết, dân làng xây đền miếu phụng thờ. Sau, Cao Biền chết, dân làng phụng thờ cùng hai vị Bảo, Lang. Lễ hội Nam Trì còn gắn liền với vị Thánh địa lý của Việt Nam Tả Ao Vũ Đức Huyền. Ông có công giúp dân Nam Trì lập lại làng, xây dựng đình chùa nên dân Nam Trì phụng thờ ông cùng ba vị Bảo, Lang, Biền.